GIẢI THỂ NHÂN CÁCH VÀ TRI GIÁC SAI THỰC TẠI
I. Giải thể nhân cách (depersonalization) :
Là các trải nghiệm dai dẳng, tái diễn đặc trưng bởi sự biến đổi trong nhận thức về bản thân, người bệnh có cảm thấy thờ ơ, xa lạ với chính mình. Họ có cảm giác như mình là một người máy, mất hết mọi tình cảm với người thân, không còn biết vui, buồn, hờn, giận. Người bệnh cảm thấy mình như không có thật, hoặc thấy như mình đang sống trong một giấc mơ hoặc trong một cuốn phim…
II. Tri giác sai thực tại (derealization) :
Là một thay đổi tương tự nhưng liên quan đến môi trường xung quanh, người bệnh cảm thấy mọi sự vật như không có thật, những người xung quanh như không có sự sống, họ như những hình người được làm bằng giấy. Tri giác sai thực tại thường, nhưng không phải luôn luôn, đi kèm với giải thể nhân cách. Các giai đoạn giải thể nhân cách và tri giác sai thực tại nhất thời có thể xảy ra ở người bình thường, đặc biệt khi mệt mỏi, thiếu ngủ, hoặc trong các tình huống stress. Trong những trường hợp này, các trải nghiệm trên thường khởi đầu đột ngột và ít khi kéo dài quá vài phút. Giải thể nhân cách và tri giác sai thực tại có thể gặp trong các rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt, và động kinh cục bộ phức tạp, cũng như trong rối loạn giải thể nhân cách. Do giải thể nhân cách và tri giác sai thực tại xảy ra trong rất nhiều rối loạn tâm thần nên chúng ít có giá trị về chẩn đoán .