RỐI LOẠN Ý THỨC

     Ý thức là sự nhận biết về bản thân và môi trường xung quanh. Các mức độ của ý thức có thể thay đổi từ hoàn toàn tỉnh táo cho đến hôn mê. 

Mô tả chi tiết:

RỐI LOẠN Ý THỨC

     I. Các rối loạn ý thức :

     + Hôn mê : Là trạng thái nặng nhất của rối loạn ý thức. Bệnh nhân không có các biểu hiện của hoạt động tâm thần và rất ít hoạt động vận động trừ hô hấp. Bệnh nhân không đáp ứng ngay cả đối với các kích thích mạnh. Hôn mê có thể được phân loại tuỳ theo mức độ của các đáp ứng phản xạ còn lại và loại hoạt động điện não.

     Ý thức u ám liên quan đến một trạng thái có thể thay đổi từ một rối loạn vừa đủ nhận thấy đến ngủ gà rõ rệt trong đó bệnh nhân đáp ứng không đầy đủ với các kích thích. Các khả năng tập trung, chú ý và trí nhớ bị giảm ở các mức độ khác nhau và định hướng lực bị rối loạn. Tư duy người bệnh lộn xộn, và các sự kiện được giải thích một cách không chính xác.

     + Sững sờ :Theo nghĩa được dùng trong tâm thần học, sững sờ là một trạng thái trong đó bệnh nhân bất động, không nói, và không đáp ứng nhưng dường như vẫn còn nhận biết qua đôi mắt mở và dõi theo các vật xung quanh. Nếu nhắm mắt, bệnh nhân sẽ chống lại các cố gắng để mở mắt. Các phản xạ bình thường và tư thế nghỉ vẫn còn duy trì.

     + Lú lẫn Rối loạn ý thức : Trong đó bệnh nhân có các phản ứng không phù hợp với các kích thích bên ngoài, biểu hiện bằng rối loạn định hướng về thời gian, không gian, và xung quanh. Lú lẫn đôi khi cũng được dùng để chỉ sự mất khả năng suy nghĩ một cách sáng suốt, có thể xảy ra trong tình trạng ý thức bình thường. Trong sảng, lú lẫn xảy ra cùng với các ảo tưởng, ảo giác, và các rối loạn khí sắc như lo âu, sợ hãi. 

    Sảng: Một trạng thái lú lẫn cấp, đặc trưng bởi khởi đầu tương đối đột ngột với rối loạn tập trung và chú ý, các bất thường tri giác và nhận thức như các ảo giác và hoang tưởng, rối loạn giấc ngủ và rối loạn thần kinh tự chủ. Sảng thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, tiến triển dao động và gia tăng vào ban đêm. Điện não thường có hoạt động chậm lan tỏa. Người bệnh có các bất thường vận động như bứt rứt, run, giật cơ và các rối loạn thần kinh tự chủ như tim nhanh, sốt, huyết áp tăng, ra mồ hôi, dãn đồng tử. Sảng hay gặp trong các rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng, các bệnh của hệ thần kinh trung ương, các trạng thái nhiễm độc hoặc cai chất …

     Hoàng hôn : Trạng thái ý thức bị thu hẹp, với các ảo giác, xuất hiện đột ngột trong một thời gian ngắn và cũng kết thúc đột ngột. Do sự chi phối của các ảo giác, người bệnh có thể có các hành vi nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh; sau cơn người bệnh không nhớ những gì đã xảy ra. Trạng thái hoàng hôn gặp trong bệnh động kinh hoặc các bệnh thực thể não. 

     II. Các rối loạn chú ý và tập trung:

     + Chú ý : Là khả năng hướng vào một vấn đề cần giải quyết còn tập trung là khả năng duy trì tâm điểm chú ý này. Khả năng hướng vào một phần chọn lọc của thông tin đến não rất quan trọng trong nhiều tình huống hàng ngày. Chẳng hạn khi nói chuyện ở một chỗ ồn ào, chú ý và tập trung có thể bị rối loạn trong rất nhiều rối loạn tâm thần như rối loạn khí sắc, rối loạn thiếu sót chú ý tăng động, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, và các rối loạn thực thể như sảng và sa sút tâm thần. Do đó, việc phát hiện các bất thường về chú ý và tập trung ít giúp ích nhiều cho chẩn đoán. Tuy nhiên các bất thường này lại quan trọng trong xử trí. Ví dụ chúng ảnh hưởng đến khả năng trao đổi thông tin với bệnh nhân trong lúc khám bệnh, và cản trở khả năng làm việc, lái xe, hoặc tham gia các hoạt động vui chơi của người bệnh. Các rối loạn chú ý và tập trung gồm :

     - Phân tán chú ý (distractibility) : Là trạng thái trong đó chú ý bị lôi cuốn vào các kích thích không quan trọng hoặc không thích hợp từ bên ngoài.
     - Mất chú ý chọn lọc : Là không chú ý đến những sự kiện gây lo âu.
     - Tăng cảnh giác (hypervigilance) : Là chú ý và tập trung quá mức vào tất cả các kích thích từ bên trong lẫn bên ngoài, gặp trong các trạng thái hoang tưởng, hưng cảm.

Sản phẩm khác

Video

Tim kiếm

Tin tức

Bản đồ

Liên kết