Đảm bảo giấc ngủ ngon khi bị ngạt mũi, khó thở

Nếu những triệu chứng cảm lạnh và cúm đang cướp đi thời gian nghỉ ngơi của bạn. Hãy thử những cách sau đây để giúp bạn ngủ dễ dàng hơn.

Khi bạn đang phải vật lộn với các triệu chứng cảm lạnh và cúm, nghỉ ngơi đầy đủ là liều thuốc tốt nhất. Bác sĩ Donald Novey, một chuyên gia về sức khỏe gia đình tại Poulsbo, Washington, Hoa Kỳ chia sẻ trên trang Everyday Heath: “Cơ thể chúng ta sẽ chuyển sang chế độ tự chữa lành bệnh khi ngủ”. Hiểu đơn giản là “ngủ nhiều hơn có nghĩa là có thêm thời gian để cơ thể phục hồi”.

Tuy nhiên việc có được một giấc ngủ sâu với nhiều người là rất khó khăn, đặc biệt khi bị hành hạ bởi các triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi và sổ mũi. Những triệu chứng này ảnh hưởng đến giấc ngủ rất nhiều vì chúng đi kèm với ho và khó thở.

Để tránh việc bạn phải trằn trọc suốt đêm, phản ứng lại với các triệu chứng đó, hãy tham khảo những mẹo nhỏ dưới đây giúp bạn có giấc ngủ tốt hơn khi đang ốm.

Uống một tách trà

Một tách trà nóng, hòa thêm ít nước chanh tươi ngay lập tức có thể làm giảm triệu chứng chảy nước mũi. Đặc biệt, trà gừng có thể giúp giảm đau cơ và tạo ra một cảm giác thoải mái. Trà hoa cúc cũng là một lựa chọn tốt để giúp bạn thư giãn. Uống trà trước khi đi ngủ có tác dụng tuyệt vời. Tuy nhiên nếu trà dạ dày của bạn khó chịu, hãy thử ăn một chút bánh mì nướng hoặc bánh quy giòn để làm dịu dạ dày của bạn.

Kê cao đầu khi ngủ

 Thông thường,triệu chứng nghẹt mũi trở nên tồi tệ hơn khi bạn nằm xuống, do đó hãy cố gắng kê gối cao lên khi ngủ. Điều này có thể đặc biệt hữu ích cho trẻ nhỏ.

Mở rộng đường thở của bạn

Thông thường, dùng thuốc xịt sẽ giúp bạn đỡ nghẹt mũi. Bạn cũng có thể thử miếng dán chữa nghẹt mũi, giúp mở rộng hốc mũi để thở dễ dàng hơn. Nếu mũi của bạn trở nên đỏ và khô, hãy thoa kem để làm dịu vùng da bị kích thích.

Làm ẩm không khí

Đặt một chiếc máy phun sương tạo ẩm với khoảng cách hợp lý tới giường ngủ có thể xoa dịu chứng nghẹt mũi và giảm cơn ho. Trong phòng ngủ của trẻ con, chỉ nên dùng một máy phun sương, vì nếu đặt quá gần có thể gây bỏng da của bé. Hãy làm sạch và ráo nước máy phun sương hàng ngày để chống ẩm mốc.

Cẩn thận khi sử dụng thuốc

Một số thuốc chữa cảm cúm có chứa những thành phần làm cản trở giấc ngủ. Vì vậy hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

Sửa soạn chỗ ngủ chu đáo

 Một phòng ngủ được bố trí khoa học sẽ cho bạn một giấc ngủ chất lượng. Học viện Y học Mỹ về giấc ngủ (AASM) gợi ý rằng có thể biến phòng ngủ của bạn giống như một “hang động” bằng cách đảm bảo nó yên tĩnh, tối và mát mẻ.

Thư giãn

Đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng giúp bạn dễ trôi vào giấc ngủ. Bạn cũng có thể thử thực hành một kỹ thuật thư giãn như thiền hoặc các bài tập hít thở để giúp bạn ngủ ngon hơn.

Không ăn nhiều sản phẩm từ sữa

Ở một số người, các sản phẩm từ sữa như sữa, pho mát và sữa chua có thể làm đặc các chất nhầy (làm đặc nước bọt, hoặc sinh đờm ở cổ họng) khiến các triệu chứng cảm lạnh và cúm trở nên tồi tệ hơn.

Để giảm nguy cơ bị nhiễm cảm lạnh hay mắc cúm, hãy tập cho bản thân những thói quen lành mạnh để giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn mạnh mẽ. Cụ thể là ăn uống đầy đủ, tập thể dục, rửa tay thường xuyên, điều chỉnh mức độ căng thẳng và đảm bảo rằng bạn luôn có được một giấc ngủ chất lượng.

Video

Tim kiếm

Tin tức

Bản đồ

Liên kết