Mẹ qua đời vì bệnh của con
Trường hợp của Phan Thế B. quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa khiến các bác sĩ Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 xót xa vì chứng bệnh trầm cảm nặng của B. Gia đình cậu không chịu đưa đến bệnh viện chữa. Để đến khi bệnh quá nặng, việc chữa trị quá khó khăn, họ mới đưa cậu vào viện.
B. sinh năm 1983. Ngày còn thanh niên B. vốn khỏe mạnh. Gia đình B. ai cũng tự hào vì cậu vừa tốt tính, vừa chịu khó làm ăn. Đến năm 2006, B. vào Tây Nguyên làm thuê cho một người ở trong làng.
Bệnh nhân tâm thần ngày càng tăng lên.
Hơn 3 năm sống ở đó thi thoảng B. có gửi cho bố mẹ một ít tiền để trang trải kinh tế gia đình. Khi B. 26 tuổi, bố mẹ B. nhắc cậu lấy vợ nhưng cậu chỉ cười nói “ra Tết con đưa bạn gái về ra mắt rồi cưới luôn”. Sau lời hứa ấy, họ không bao giờ thấy B. nhắc lại chuyện ra mắt nữa.
Đến cuối năm đó, B. về quê ăn Tết trong bộ dạng gầy guộc, xanh xao. Người ta còn đồn thổi rằng B. bị bệnh AIDS, nghiện ma túy... Thương con trai, bố mẹ B. đòi đưa con đến bệnh viện kiểm tra nhưng B. không đồng ý. Thế rồi, câu chuyện thằng B. bị AIDS ngày càng lan rộng ra khắp quê. Ai cũng xì xào không biết vì sao nó gầy và xuống nhanh như thế.
B. rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý. Cậu chỉ ở nhà không giao tiếp với bất kỳ ai. Đau khổ nhất, bố mẹ B. thấy con mình chỉ thích ngồi ở nhà vệ sinh. Có hôm, mẹ B. nhìn thấy con chui vào nhà vệ sinh, chỉ ra khi mùi hôi thối nồng nặc.
Bà kiểm tra, trên tay B dính đầy phân. Thương con lắm nhưng bà cũng không biết phải làm sao để cứu con. Bà khóc ngày, khóc đêm đến khi sinh bệnh rồi qua đời. Mọi người cho rằng B. bị “bùa yêu” của thiếu nữ ngày ở miền nam.
Cán bộ xã nơi B. sống phải vận động gia đình đưa B. đến bệnh viện vì họ cho rằng đó là bệnh, không phải bùa ngải gì. B. được đưa lên Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa. Những ngày ở bệnh viện, cậu vẫn giữ thói quen ở lỳ trong nhà vệ sinh. Ai ra vào nhà vệ sinh đều sợ hãi khi bóng dáng một chàng trai cao, gầy đang ngự ở đó như một nhà riêng.
Sau này, trong một chuyến công tác về Thanh Hóa của đoàn bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, các bác sĩ đã yêu cầu gia đình B. đưa cậu ra Hà Nội chữa bệnh. Tại bệnh viện, B. được chẩn đoán do trầm cảm nặng, bị ảo thanh xui khiến chứ không phải bị bùa ngải gì. Vậy mà, gia đình B. tin vào câu chuyện rằng cậu bị bùa yêu giăng nên sinh ra như thế.
Được các bác sĩ điều trị rất chu đáo, mỗi khi cậu tỉnh táo, cậu chỉ khóc đòi cắn lưỡi chết. Khi bệnh nặng, cậu lại mất ngủ sống tách biệt với mọi người, không cho ai lại gần mình.
Mất gần 1 năm điều trị, bệnh của cậu đỡ nhiều hơn. Cậu không còn chui vào nhà vệ sinh ngồi, mần mò những thứ ở trong đó như trước, nhưng giấc ngủ, ánh mắt của B. không thể trở lại minh mẫn, sáng lạn như xưa.
Bố B kể “từ khi bác sĩ cho biết cậu bị bệnh tâm thần không phải bệnh AIDS, hay bị bùa, nghiện ngập như trước, áp lực gia đình cũng giảm hơn. Hàng xóm láng giềng không còn sợ gia đình như trước”.
Chỉ tiếc, mẹ B. vì không biết con bị bệnh gì, trước đồn thổi của dân làng và bệnh tật của con không biết ra sao, bà mắc bệnh rồi qua đời. Khi biết bệnh thực của con, bà cũng chẳng còn sống để chăm con. Các chị em gái của B. đều có gia đình riêng nên việc chăm sóc B. đều do bố cậu đảm nhiệm.
Nói về bệnh nhân B, TS Nguyễn Mạnh Hùng –Bệnh viện Tâm Thần Trung ương 1 chỉ thấy tiếc vì B đi viện quá muộn. Nếu B. đi viện sớm hơn thì cả đời cậu sẽ không phải gắn với trung tâm thương điên như thế.
Giải thích về căn bệnh của B, TS Hùng cho biết bệnh này có chiều hướng mạn tính với những đợt tái phát. Sau mỗi lần tái phát, tính nết người bệnh càng thay đổi: xa lánh người thân, hướng vào nội tâm, ngôn ngữ hành vi dị kỳ khó hiểu, có khi mang tính chống đối nguy hiểm. Khả năng tiếp xúc xã hội và khả năng học tập lao động giảm dần, người bệnh trở nên thờ ơ với tất cả.
Bệnh có thể khởi phát nhanh trong vài tuần hay chậm trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Tỉ lệ mắc khá cao trong xã hội. Có người bệnh chỉ bị một hoặc vài giai đoạn loạn thần trong đời, cũng có những người luôn tồn tại các triệu chứng loạn thần suốt đời.
Trước khi bệnh phát, có thể nhận thấy các triệu chứng báo hiệu sớm: nhịp thức ngủ thay đổi, thói quen ăn uống thay đổi, mệt mỏi, hằn học, chống đối, thờ ơ với xung quanh, trở nên chán nản, lo lắng, sợ hãi hoặc có ý nghĩ ám ảnh. Gia đình cần nhận biết các dấu hiệu sớm trên đây, mời bác sỹ hoặc đưa đi khám để tránh được giai đọan cấp hay tránh phải nằm viện.
Trường hợp của B., cậu ta sống cách ly với xã hội có hành vi kỳ quái là biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt được các chuyên gia tâm thần cho rằng có thể do một số nguyên nhân như sợ bị ai đó làm hại, sợ giao tiếp do mất đi kỹ năng giao tiếp xã hội. Cậu còn bị ảo thanh xui khiến bắt phải chui vào nhà vệ sinh và ăn phân để chống lại những “đối tượng” đang hại mình.
Nếu biết được bệnh sớm, việc điều trị dễ dàng hơn rất nhiều và gánh nặng xã hội cũng giảm đi.