RỐI LOẠN HÀNH VI VẬN ĐỘNG

Các bất thường về hành vi, biểu hiện vẻ mặt, tâm lý và tư thế thường xảy ra trong tất cả các loại rối loạn tâm thần. 

Mô tả chi tiết:

RỐI LOẠN HÀNH VI VẬN ĐỘNG

     I. Các rối loạn hành vi vận động :

    Các bất thường về hành vi, biểu hiện vẻ mặt, và tư thế thường xảy ra trong tất cả các loại rối loạn tâm thần. Ngoại trừ tic, các triệu chứng chuyên biệt khác hay gặp ở bệnh nhân loạn thần, đặc biệt là tâm thần phân liệt.

     + Tic (tic): Là các cử động không đều lặp đi lặp lại liên quan đến một nhóm cơ, ví dụ lắc đầu qua một bên, nhún vai.

     + Kiểu cách (mannerism):  Là các cử động không tự ý, đã ăn sâu thành thói quen, lặp đi lặp lại, dường như có một ý nghĩa chức năng nào đó, ví dụ chào, vuốt tóc.

     + Định hình (stereotypy): Là kiểu vận động hoặc ngôn ngữ không đổi, liên tục lặp đi lặp lại như lắc lư thân mình; gặp trong rối loạn tự kỷ ở trẻ em, tâm thần phân liệt thể căng trương lực…

     + Tư thế khác thường (posturing): Là sự giữ một tư thế cơ thể khác thường liên tục trong một thời gian dài. Tư thế này dường như có một ý nghĩa biểu tượng, ví dụ đứng với hai cánh tay dang rộng như đang bị đóng đinh trên thập tự, hoặc không có ý nghĩa rõ rệt, ví dụ đứng trên một chân.

     + Phủ định (negativism): Là sự chống đối không có lý do mọi cố gắng làm chuyển dịch hoặc mọi sự hướng dẫn, hoặc làm ngược lại điều được yêu cầu.

     + Nhại động tác (echopraxia): Là sự bắt chước một cách tự động mọi cử động của người khác ngay cả khi được yêu cầu không làm như vậy.

     + Khuynh hướng hai chiều (ambitendence): Bệnh nhân được xem là biểu hiện khuynh hướng hai chiều khi luân phiên có các cử động trái ngược nhau, ví dụ, đưa tay ra để bắt tay, rồi rút tay vào, rồi lại đưa tay ra, và cứ tiếp tục như thế.

     + Mất trương lực cơ (cataplexy): Là sự mất trương lực cơ đột ngột và nhất thời, gây ra yếu và bất động; có thể bị thúc đẩy bởi các trạng thái cảm xúc và thường nối tiếp bằng giấc ngủ. Hay gặp trong bệnh ngủ rũ.

     + Căng trương lực (catatonia): Là trạng thái tăng trương lực cơ ảnh hưởng đến sự duỗi và gấp cơ, mất đi khi có các cử động tự ý. Gặp trong các bệnh có tổn thương thực thể não như viêm não, tâm thần phân liệt thể căng trương lực, trầm cảm hoặc hưng cảm, ngấm thuốc an thần kinh…

     + Giữ nguyên dáng (catalepsy): Là trạng thái trong đó bệnh nhân giữ nguyên một tư thế cơ thể được áp đặt; gặp trong các trường hợp nặng của tâm thần phân liệt thể căng trương lực. Đôi khi được xem là đồng nghĩa với uốn sáp tạo hình.

     + Kích động căng trương lực (catatonic excitement): Là kích động vận động không có mục đích, không bị ảnh hưởng bởi các kích thích bên ngoài. Bệnh nhân trong trạng thái căng trương lực có thể đột ngột bùng phát trạng thái kích động và tấn công người xung quanh.

     + Sững sờ căng trương lực ( catatonic stupor): Là sững sờ trong đó bệnh nhân thường vẫn còn nhận biết được xung quanh.

     + Cứng nhắc căng trương lực (catatonic rigidity): Là sự tự ý giữ một tư thế cứng nhắc, chống lại mọi cố gắng di chuyển.

     + Uốn sáp tạo hình (waxy flexibility): Là trạng thái trong đó người bệnh được “nặn” ở một tư thế và rồi tư thế này sẽ được duy trì; khi di chuyển các chi của bệnh nhân , ta có cảm giác như chúng được làm bằng sáp. Đôi khi những bệnh nhân này cũng có thể giữ đầu cao hơn gối trong một thời gian dài (gối tâm lý).

     + Mất vận động (akinesia): Là mất các cử động thân thể, như trong trạng thái bất động cực nặng của tâm thần phân liệt thể căng trương lực; cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ ngoại tháp của thuốc chống loạn thần.

     + Tăng hoạt động (overactivity) 

    - Bứt rứt và kích động (restlessness and agitation): Là sự gia tăng toàn bộ các cử động của cơ thể, với các biểu hiện như bồn chồn, đứng ngồi không yên, chân tay liên tục cựa quậy, kèm theo sự căng thẳng nội tâm. Trạng thái bứt rứt gặp trong các rối loạn tâm thần có tăng cảm xúc hoặc lú lẫn như nhiễm độc, sảng, hưng cảm, trầm cảm kích động, rối loạn lo âu, cũng như các bệnh cơ thể như cường giáp.

    - Tăng hoạt động toàn thể (generalized overactivity): Trong đó bệnh nhân dường như có sự gia tăng năng lượng cơ thể, được phân biệt với kích động do không có sự căng thẳng nội tâm và các cử động có mục đích hơn. Gặp trong hưng cảm, hưng cảm nhẹ, chán ăn loạn thần kinh, và là thành phần của rối loạn thiếu sót chú ý tăng động.

    - Kích động lú lẫn (confusional agitation): Là một trạng thái bứt rứt và hoạt động không có mục đích, gặp trong các cơn động kinh, nhiễm độc cấp, sảng.

    + Giảm hoạt động (hypoactivity): Là sự chậm chạp vận động gặp trong nhiều bệnh cơ thể như suy giáp, bệnh Addison, một số bệnh nhiễm trùng và sau nhiễm trùng, nhiễm độc, cũng như trong một số rối loạn tâm thần thực thể, tâm thần phân liệt, và các rối loạn trầm cảm. Giảm và mất vận động có thể xảy ra trong tâm thần phân liệt hoặc do tác dụng phụ của các thuốc chống loạn thần.

    + Các phản ứng chuyển dạng (conversion reactions): Là các rối loạn chức năng, do căn nguyên tâm lý liên quan đến các chức năng giác quan hoặc vận động. Các thể vận động hay gặp là yếu hoặc liệt chi, mất đứng-mất đi, thất điều hoặc mất tiếng. Các phản ứng chuyển dạng giác quan gồm mù, điếc, và mất cảm giác.

     II. Các rối loạn kiểm soát xung động :

    + Xung động uống rượu (dipsomania) : Là cơn thèm uống một lượng lớn các thức uống có rượu, người bệnh không cưỡng lại được. Gặp chủ yếu trong các giai đoạn hưng cảm và rối loạn nhân cách.

    + Thèm uống (potomania): Là nhu cầu thường xuyên uống một lượng lớn nước. Gặp trong tâm thần phân liệt mạn tính, rối loạn nhân cách và có thể ở những bệnh nhân đang điều trị bằng các thuốc chống loạn thần, carbamazepine, lithium, hoặc các thuốc khác. Những bệnh nhân này thường có tỉ trọng nước tiểu và nồng độ sodium trong huyết thanh thấp, trường hợp nặng có thể đưa đến ngộ độc nước (water intoxication) với các cơn co giật.

    + Thèm ăn (bulimia): Là những cơn ăn nhiều kèm theo một cảm giác đói dữ dội. Gặp trong chứng ăn nhiều loạn thần kinh, tâm thần phân liệt, các giai đoạn hưng cảm, chậm phát triển tâm thần, sa sút tâm thần, rối loạn nhân cách.

     + Xung động ăn cắp (kleptomania): Là sự thất bại tái diễn trong việc chống lại xung động ăn cắp các đồ vật không cần thiết, hoặc cho việc sử dụng của bản thân, hoặc có giá trị về tiền bạc. Các xung động này không kết hợp với các hoang tưởng hoặc ảo giác, không do tức giận hoặc muốn trả thù. Hành động ăn cắp thường giúp làm giảm sự căng thẳng ở người bệnh. Các đồ vật ăn cắp thường ít có giá trị và bệnh nhân có đủ khả năng để mua, sau đó chúng được tích trữ, vứt đi, hoặc trả lại cho chủ nhân. Xung động này hay kết hợp với các rối loạn lo âu và rối loạn ăn uống.

    + Xung động đốt nhà (pyromania): Liên quan đến các cơn cố ý đốt nhà; được thực hiện không phải để kiếm tiền, che dấu tội phạm, trả thù hoặc vì các động cơ khác; không do hậu quả của các ảo giác, hoang tưởng, hoặc rối loạn phán đoán (do ngộ độc, sa sút tâm thần, hoặc chậm phát triển tâm thần). Những bệnh nhân này thường quan tâm đến lửa và việc chữa lửa, thích nhìn thấy lửa cháy. Họ có thể lên kế hoạch đốt nhà trước và không hề quan tâm đến hậu quả nguy hiểm do hành động của họ.

    + Xung động nhổ tóc, lông (trichotillomania): Là hành vi tái diễn nhổ tóc, lông đưa đến sự mất tóc, lông có thể nhận thấy được ở nhiều vùng khác nhau của cơ thể. Các vị trí hay gặp nhất là da đầu, lông mày, và lông mi. Hành vi này thường mang lại sự thích thú hoặc làm giảm căng thẳng cho người bệnh.

    + Đánh bạc bệnh lý (pathologic gambling): Đặc trưng bởi xung động đánh bạc không phù hợp, dai dẳng và tái diễn ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và nghề nghiệp của người bệnh.

 

Sản phẩm khác

Video

Tim kiếm

Tin tức

Bản đồ

Liên kết