RỐI LOẠN KHÍ SẮC VÀ CẢM XÚC
I. Các rối loạn khí sắc :
+ Trầm cảm (depression): Là một đáp ứng bình thường với sự mất mát hoặc bất hạnh. Trầm cảm trở nên bất thường khi nặng nề hơn so với sự bất hạnh hoặc kéo dài quá mức mong đợi. Khí sắc trầm cảm thường kết hợp chặt chẽ với các biến đổi khác như đánh giá thấp bản thân, tự cho mình có nhiều khuyết điểm, và suy nghĩ bi quan. Người bị trầm cảm có biểu hiện đặc trưng với các khóe miệng gập xuống, giữa trán có những nếp nhăn thẳng đứng; họ thường khom lưng, cúi đầu, vẻ mặt buồn rầu, đau khổ. Vận động thường bị ức chế nhưng cũng có thể gia tăng ở các bệnh nhân kích động, lo âu. Là triệu chứng cơ bản trong các giai đoạn trầm cảm của rối loạn trầm cảm và rối loạn luỡng cực nhưng trầm cảm cũng hay gặp trong nhiều rối loạn tâm thần khác như các rối loạn lo âu (rối loạn lo âu toàn thể, hỗn hợp lo âu-trầm cảm, rối loạn ám ảnh-cưỡng chế), tâm thần phân liệt, loạn thần ngắn, các rối loạn ăn uống…
+ Sầu uất (melancholia): Là trạng thái trầm cảm nặng với các đặc điểm như mất hứng thú trong tất cả các hoạt động, mất phản ứng với các kích thích thường vẫn thường gây thích thú, trầm cảm nặng hơn vào buổi sáng, thức giấc sớm, chán ăn hoặc sụt cân rõ rệt, cảm giác tội lỗi quá mức hoặc không phù hợp.
+ Hưng phấn (elation): Là cảm giác vui sướng, khoái cảm, hết sức tự mãn hoặc lạc quan. Hưng phấn thường kết hợp với các biến đổi khác như tăng sự tự tin và thoải mái, tăng hoạt động và tăng thức tỉnh đôi khi có thể gây bứt rứt, khó chịu. Hưng phấn hay gặp nhất trong hưng cảm và hưng cảm nhẹ.
+ Hưng cảm (mania): Là trạng thái khí sắc đặc trưng bởi sự hưng phấn, kích động, tăng hoạt động, tăng tình dục, tăng nhịp độ tư duy và ngôn ngữ.
+ Hưng cảm nhẹ (hypomania): Là bất thường khí sắc có các đặc điểm giống như hưng cảm nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
+ Khoái cảm (euphoria): Là trạng thái hưng phấn mãnh liệt với ý tưởng tự cao, gặp trong các bệnh có tổn thương thực thể não như u não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, liệt tiến triển…
II. Các rối loạn cảm xúc :
+ Cảm xúc thiếu hòa hợp (inappropriate affect): Là sự không phù hợp giữa cảm xúc và tư duy hoặc ngôn ngữ đi kèm, gặp trong bệnh tâm thần phân liệt.
+ Cảm xúc cùn mòn (blunted affect): Là rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi một sự giảm sút rõ rệt cường độ cảm xúc được biểu hiện ra bên ngoài, gặp trong tâm thần phân liệt.
+ Cảm xúc thu hẹp (restricted or constricted affect): Cũng là sự giảm cường độ cảm xúc nhưng ít hơn trong cảm xúc cùn mòn.
+ Cảm xúc phẳng lặng (flat affect): Là sự mất hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn mọi biểu hiện cảm xúc; giọng nói trở nên đơn điệu, vẻ mặt bất động.
+ Cảm xúc không ổn định (labile affect): Là sự biến đổi nhanh chóng và đột ngột của cảm xúc, không liên quan với các kích thích bên ngoài.
+ Cảm xúc hai chiều (ambivalence): Là sự tồn tại đồng thời của hai cảm xúc trái ngược nhau đối với cùng một người hoặc cùng một sự vật. Gặp trong tâm thần phân liệt, các trạng thái ranh giới, các rối loạn ám ảnh-cưỡng chế.
+ Sự thờ ơ giả tạo (la belle indifférence): Là thái độ điềm tĩnh hoặc không quan tâm một cách không phù hợp về bệnh tật của mình, gặp ở bệnh nhân rối loạn chuyển dạng.
III. Các rối loạn khác :
+ Lo âu (anxiety): Là cảm giác lo sợ lan tỏa, rất khó chịu nhưng thường mơ hồ, kèm theo nhiều triệu chứng cơ thể như hồi hộp, đánh trống ngực, run, ra mồ hôi, khô miệng, siết chặt ở ngực, khó chịu ở dạ dày, khó nuốt, buồn nôn, mắc tiêu tiểu, bứt rứt muốn đi tới đi đi lui, không thể ở yên một chỗ. Lo âu là một đáp ứng phù hợp trước một nguy hiểm, thường có tính nhất thời nhằm động viên cơ thể có các hành động cần thiết( chạy trốn hoặc chống lại) nhưng sẽ được coi là bất thường khi nặng nề và kéo dài hơn sự đe dọa. Về nhận thức, lo âu đặc trưng bởi sự tăng cảnh giác, tập trung kém, mất sáng suốt, sợ mất kiểm soát hoặc mất trí. Các triệu chứng hành vi gồm sợ sệt, tránh né, dễ bực tức, bất động, và thở nhanh. Các rối loạn tri giác gồm giải thể nhân cách, tri giác sai thực tại, và tăng cảm giác.
+ Lo âu tính cách (trait anxiety): Là kiểu lo âu kéo dài suốt đời như một đặc điểm về nhân cách. Những người có lo âu tính cách thường sôi nổi, tăng nhạy cảm với các kích thích, và dễ phản ứng về tâm sinh lý hơn những người khác.
+ Lo âu trạng thái (state anxiety): Là các giai đoạn lo âu gắn liền với các tình thế chuyên biệt và không còn tồn tại khi tình thế thúc đẩy giảm đi.
+ Lo âu vô cớ (free-floating anxiety): Là lo âu dai dẳng không rõ nguyên nhân, rất nhiều ý nghĩ và sự kiện khác nhau dường như cùng thúc đẩy và góp phần gây ra lo âu.
+ Lo âu tình thế (situational anxiety): Chỉ xảy ra khi có các lý do chuyên biệt hoặc các kích thích bên ngoài, như trong các ám ảnh sợ.
Là triệu chứng cơ bản trong các rối loạn lo âu, triệu chứng lo âu còn hay gặp trong rất nhiều bệnh cơ thể và tâm thần. Do đó, thầy thuốc tâm thần cần phân biệt giữa lo âu nguyên phát do chính rối loạn gây ra với lo âu thứ phát là phản ứng tâm lý của bệnh nhân với bệnh lý chủ yếu. Các rối loạn nội tiết, tự miễn dịch, chuyển hóa, và nhiễm độc, cũng như các tác dụng có hại của thuốc đều có thể gây lo âu. Trong các bệnh lý tâm thần, lo âu thường gặp ở các bệnh nhân trầm cảm, loạn thần, trong các rối loạn nhận thức và rối loạn liên quan đến chất.
+ Sợ (fear): Là lo âu gây ra bởi một nguy hiểm có thực và được nhận biết một cách có ý thức.
+ Hoảng loạn (panic): Cơn hoảng loạn là cơn lo âu dữ dội tự giới hạn, kéo dài từ nhiều phút đến nhiều giờ, với các triệu chứng càng lúc càng tăng dần. Bệnh nhân cảm thấy một sự khiếp sợ hoàn toàn, sợ mình sẽ chết, sẽ mất trí, hoặc mất kiểm soát, kèm theo các triệu chứng cơ thể của lo âu như đau thắt ngực, thở dốc, và mệt mỏi đến kiệt sức. Các cơn hoảng loạn là thành phần chủ yếu của rối loạn hoảng loạn nhưng cũng có thể gặp trong các rối loạn lo âu và các rối loạn tâm thần khác.
Dễ bực tức và giận dữ (irritability and anger) Dễ bực tức là trạng thái tăng cao sự sẵn sàng đưa đến giận dữ. Cả hai triệu chứng trên đều có thể xảy ra trong nhiều loại rối loạn nên ít có giá trị chẩn đoán. Tuy nhiên, chúng lại rất quan trọng trong xử trí nên nếu hiện diện, chúng cần được lượng giá ngay về nguy cơ bạo lực. Dễ bực tức và giận dữ có thể xảy ra trong các rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc, tâm thần phân liệt, sa sút tâm thần, nhiễm độc rượu hoặc ma tuý. Trong một số trường hợp, chúng không chỉ gây nguy hiểm cho người khác mà ngay cả bản thân ngươi bệnh.