RỐI LOẠN TRÍ NHỚ

Trí nhớ là quá trình tâm lý có chức năng ghi nhận, bảo tồn và cho hiện lại những kinh nghiệm và tri thức cũ dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng. 

Mô tả chi tiết:

RỐI LOẠN TRÍ NHỚ

     I. Các loại trí nhớ :

     + Trí nhớ máy móc : Là trí nhớ chỉ dựa trên những mối liên hệ đơn giản giữa các đối tượng để dễ nhớ như diểm giống nhau, khác nhau…
     + Trí nhớ thông hiểu : Liên quan đến việc vận dụng các mối liên hệ nội tại có tính chất qui luật giữa các hệ thống để nhớ. Trí nhớ thông hiểu bền vững hơn, sâu sắc hơn do có sự tham gia tích cực của nhiều quá trình tâm lý khác như tư duy, cảm xúc, tập trung, chú ý…
     + Trí nhớ lập tức (immediate memory) : Liên quan đến sự bảo tồn thông tin trong thời gian rất ngắn từ 10 đến 20 giây, thường được đánh giá bằng cách bảo bệnh nhân lặp lại các dãy số xuôi và ngược hoặc lặp lại tên và địa chỉ của một người nào đó. Tuy nhiên, cần lưu ý là ở các bệnh nhân trầm cảm hoặc lo âu, do khả năng tập trung kém, việc thực hiện các nghiệm pháp trên có thể gặp khó khăn mặc dù bệnh nhân không bị giảm trí nhớ.
     + Trí nhớ gần (recent memory) : Còn được gọi là trí nhớ ngắn hạn (short-term memory) kéo dài từ nhiều phút đến 2 ngày là thời gian cần để ghi nhận và củng cố một thông tin mới, thường được đánh giá bằng cách bảo bệnh nhân lặp lại tên của 3 đồ vật không liên quan sau 5 phút hoặc hỏi bệnh nhân về một số sự kiện mới xảy ra trong ngày.
     + Trí nhớ xa (remote memory) : Còn được gọi là trí nhớ dài hạn (long-term memory) liên quan đến những sự kiện trong những khoảng thời gian dài, thường được đánh giá bằng cách hỏi bệnh nhân những sự kiện quan trọng đã xảy ra trong quá khứ của họ. Có nhiều quá trình sinh lý khác nhau làm trung gian cho mỗi gian đoạn này của trí nhớ. Do đó, các quá trình tác động đến trí nhớ lập tức hoặc gần lại không ảnh hưởng đến trí nhớ xa và hiện nay các quá trình chuyển trí nhớ gần thành trí nhớ xa vẫn chưa được biết rõ.

     II. Các rối loạn trí nhớ :

     + Giảm nhớ (hypomnesia): Là kém nhớ những sự việc mới xảy ra hay những sự việc cũ, gặp trong các rối loạn thực thể não.
     + Tăng nhớ (hypermnesia): Là nhớ lại những sự việc rất cũ, cả những sự việc không quan trọng với đầy đủ chi tiết tưởng như không thể nào nhớ được, gặp trong trạng thái hưng cảm, rối loạn nhân cách.
     + Quên (amnesia): 
     - Quên toàn bộ : Là quên tất cả những sự việc cũ và mới thuộc mọi lĩnh vực, gặp trong sa sút tâm thần nặng.
     - Quên từng phần : Là quên một số kỷ niệm, quên ngoại ngữ, quên thao tác nghề nghiệp…, gặp trong tổn thương khu trú của não hoặc do cảm xúc mạnh và đột ngột.
     - Quên thuận chiều (anterograde amnesia): Là quên do mất khả năng ghi nhận, những sự việc xảy ra ngay sau một sự kiện đặc biệt như chấn thương đầu, rối loạn hoạt động não, hoặc do tác dụng của các chất ma tuý. Bệnh nhân choáng điện thường bị quên thuận chiều trong thời gian điều trị, hiện tượng này sẽ giảm dần trong vài tuần.
     - Quên ngược chiều (retrograde amnesia): Là quên do mất khả năng nhớ lại, những sự việc xảy ra trước một sự kiện chấn thương trong một khoảng thời gian nào đó. Khi trí nhớ phục hồi, những sự việc cũ sẽ được nhớ lại trước, các sự việc mới sẽ được nhớ lại sau (định luật Ribot).
     - Quên trong cơn : Là chỉ quên những sự việc xảy ra trong cơn, gặp trong cơn động kinh, ngộ độc rượu (blackout)…

     + Loạn nhớ (paramnesia) :
     - Nhớ giả (pseudoreminiscense): Đối với những sự việc có thật trong đời sống của ngươì bệnh trong một thời gian và không gian nào đó, người bệnh lại nhớ vào một thời gian và không gian khác. Gặp trong các bệnh thực thể não.
     - Bịa chuyện (confabulation): Người bệnh lấp đầy các khoảng trống trong trí nhớ một cách vô thức bằng các trải nghiệm tưởng tượng hoặc không có thật mà bệnh nhân tin là đúng và không hề biết là mình bịa ra (khác với nói dối). Nội dung bịa chuyện có thể thông thường hay kỳ quái. Bịa chuyện được cho là do rối loạn hoạt động của thùy trán và mất khả năng tự giám sát (self-monitoring). Bịa chuyện hay gặp trong một số hội chứng quên do rượu như hội chứng Wernicke-Korsakoff cũng như các rối loạn khác của các thể vú, đồi thị, hoặc các thuỳ trán.
     - Nhớ nhầm (fausse reconnaissance):  Người bệnh nhớ các sự việc xảy ra với người khác thành việc của mình, những điều nghe hoặc đọc thấy ở đâu lại cho là bản thân mình đã trải qua, có người lại tưởng mình đang sống trong quá khứ. Gặp trong bệnh động kinh. 
     - Đã từng thấy (déjà vu): Người bệnh có cảm giác quen thuộc với những gì họ đang nhìn thấy mặc dù đây là lần đầu tiên họ có những trải nghiệm như vậy, thường kết hợp với các hiện tượng đã từng nghe (déjà entendu) và đã từng nghĩ (déjà pensé). 
     - Chưa từng thấy (jamais vu): Chưa từng nghe (jamais entendu) và chưa từng nghĩ (jamais pensé). Người bệnh có cảm giác họ chưa từng thấy, nghe, hoặc nghĩ những điều mà họ đã thực sự trải nghiệm trong quá khứ.

     Các hiện tượng trên có thể gặp trong đời sống hàng ngày nhưng gia tăng trong các trạng thái mệt mỏi hoặc nhiễm độc và thường kết hợp với động kinh cục bộ phức tạp và các rối loạn tâm thần khác.
 

Sản phẩm khác

Video

Tim kiếm

Tin tức

Bản đồ

Liên kết